Bệnh liên cầu khuẩn ở heo

Bệnh liên cầu khuẩn ở heo là bệnh truyền nhiễm cực kỳ nguy hiểm do vi khuẩn Streptococcus suis gây ra. Bệnh còn có thể xảy ra ở người nếu không có các biện pháp phòng bệnh hiệu quả.

Nguyên nhân

Bệnh do loại liên cầu Streptococcus suis gây ra. Có khoảng 35 serotyp S.suis khác nhau và điển hình là: Serotyp 1 gây bệnh trên heo sơ sinh; Serotyp 2 gây viêm màng não ở heo lớn; Serotyp 14 gây viêm khớp.

Triệu chứng

Serotyp 1: Gây bệnh cho heo con 10 – 14 ngày tuổi. Heo bệnh có biểu hiện lông dựng, thân nhiệt khoảng 40,6 – 41ºC và có thể chết. Các khớp sưng to, nóng, đau đớn, con vật lù đù, mắt nhắm nghiền, run cơ, sau đó liệt quỵ và chết. Heo chết đột ngột có thể do suy tim, trụy tim.

Serotyp 2: Gây bệnh ở heo cai sữa và heo sau cai sữa, heo đàn. Heo bệnh thường có triệu chứng sốt cao (nhiệt độ 40,6 – 41,7ºC), da đỏ rực, biểu hiện triệu chứng thần kinh (đi loạng choạng, run rẩy, liệt, ngoẹo đầu về phía sau và kèm các cơn co giật). Những trường hợp này heo chết sau 4 giờ từ khi xuất hiện triệu chứng lâm sàng. Viêm khớp thường thấy ở heo nhỏ và ít thấy ở heo lớn. 

Bệnh liên cầu khuẩn ở heo 7
h3eo,

Chẩn đoán bệnh liên cầu khuẩn ở heo

Ngoài triệu chứng lâm sàng điển hình cần phải mổ khám kiểm tra bệnh tích. Nếu heo bệnh nhiễm Serotyp 1 có bệnh tích viêm đa khớp và viêm màng não có mủ. Nếu heo bệnh nhiễm Serotyp 2, xác heo chết đỏ, hạch lympho sưng tấy, đỏ. Có những sợi Fibrin ở bao tim và xoang ngực. Não bị phù nề đến nhũn não.

Cần chẩn đoán phân biệt với một số bệnh sau đây:

– Bệnh phù đầu sưng mặt: Phù mặt, mắt lồi, tiếng kêu khác thường, trước khi chết 4 chân bơi chèo trên không, không có hiện tượng viêm da.

– Viêm khớp do Mycoplassma: Ho và khó thở kéo dài, bệnh kéo dài con vật suy nhược chết.

– Viêm khớp do Staphylococcus: Có hiện tượng què đột ngột, đi lại khó khăn, heo sốt và ăn kém hoặc bỏ ăn, khớp sưng to, đau và nếu điều trị không kịp thời khớp viêm có mủ.

– Bệnh viêm đa xoang (Glasser): Rối loạn hô hấp, viêm khớp, viêm da, khi mổ khám bệnh tích thấy tất cả các xoang viêm có Fibrin.

Điều trị

Hộ lý, chăm sóc:

– Tách lọc heo bệnh và nhanh chóng chuyển heo bệnh ra khỏi chuồng và đưa đến chuồng cách ly.

 – Đảm bảo an toàn sinh học: Hạn chế người và công nhân ra vào trại (cần được tắm và sát trùng trước khi vào trại).

 – Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và khô ráo, tẩy uế chuồng nuôi bằng thuốc sát trùng.

– Giữ ấm heo, cung cấp thức ăn, nước uống đầy đủ. 

Dùng thuốc điều trị:

 – Sử dụng loại kháng sinh nhạy cảm như Amoxicillin, Penicillin, Ampicillin hoặc Trimethoprim/Sulfa. Tốt nhất nên sử dụng các loại kháng sinh có tác động kéo dài.

– Dùng Paracetamol pha nước uống, tiêm hạ sốt (không steroid) cho nhưng heo sốt, ho và bỏ ăn.

– Tỷ lệ nhiễm cao điều trị tổng đàn dùng Tiamulin 20% liều 200 ppm (1 kg/tấn thức ăn) + Amoxicilin 50% liều 400 ppm (800 g/1 tấn thức ăn. Dùng liền tục 7 – 14 ngày.

– Điều trị cá thể dùng Pen – Strep L.A/Amoxicilin L.A liều 1 ml/10 kg P cho những heo sốt, ho. Đối với heo sơ sinh tiêm Amoxicilin L.A 1 ml/con (chú ý mỗi con dùng 1 kim).

– Trợ sức trợ lực bằng các thuốc bổ: Gluco K – C, Vitamin tổng hợp và giải độc gan, thận…

Phòng bệnh liên cầu khuẩn ở heo

Đối với trại chưa bị bệnh: Cố gắng giữ cho đàn heo không bị tiếp xúc với mầm bệnh. Khi nhập heo thay đàn phải chọn từ trại sạch bệnh. 

Đối với trại có nguy cơ phát bệnh: 

 – Giãn mật độ chăn nuôi đông, tăng sự thông thoáng chuồng nuôi, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tẩy uế chuồng nuôi và môi trường chăn nuôi. 

– Hạn chế chu chuyển đàn, đảm bảo nguyên tắc cùng vào cùng ra.

– Không nên nuôi heo nhiều nhóm tuổi khi cai sữa trong một ô chuồng.

– Cắt rốn, cắt tai, bấm nanh, thiến cần đúng kỹ thuật và sát trùng tốt.

PGS.TS. Phạm Ngọc Thạch

Học viện Nông nghiêp Việt Nam

Theo Người Chăn Nuôi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *