Đánh giá rủi ro trong trang trại chăn nuôi gia cầm

Hệ thống ăn cho gà sử dụng máng

Chăn nuôi gia cầm Việt nam vẫn còn với số lượng chăn nuôi trang trại vừa và nhỏ lẻ gặp nhiều khó khăn trong quản lý trang trại và phòng trừ dịch bệnh. Qua thực tế sản xuất và theo dõi chúng tôi muốn giới thiệu với người quản lý trang trại chăn nuôi gia cầm đánh giá rủi ro trang trại chăn nuôi gia cầm từ đó có biện pháp quản lý tốt, phòng trừ dịch bệnh có hiệu quả.

Các yếu tố rủi ro thường gặp

Môi trường chăn nuôi gia cầm tại trang trại

Cơ sở chăn nuôi của mình có cách ly tốt hay không, đây là vấn đề rất quan trọng để đề phòng những rủi ro có thể xảy ra. Trại có nằm gần chợ, cơ sở giết mổ chế biến hay không? Bởi vì những địa điểm này là nơi giao lưu buôn bán vận chuyển gia cầm nên khả năng lây lan mầm bệnh rất cao, khó khống chế.

Tình hình lưu hành các bệnh truyền nhiễm trên các đàn gia cầm trong vùng hiện nay cần được biết thông tin để cảnh báo. Ví dụ: Bệnh cúm gia cầm AI, bệnh Newcastle ND, bệnh Gumboro, bệnh Viêm phế quản truyền nhiễm IB, bệnh Viêm thanh khí quản truyền nhiễm ILT, bệnh Viêm đường hô hấp mãn tính CRD… Sự hiện diện các bệnh truyền nhiễm gia cầm càng lớn khả năng lây nhiễm càng cao. Nắm bắt thông tin kịp thời giúp quản lý trại có biện pháp xử lý chủ động hơn.

Mật độ các trang trại ở trong vùng cao và khoảng cách gần giữa các trại sẽ làm gia tăng số lượng các loại vi sinh vật truyền nhiễm trong vùng, khi xảy ra dịch sẽ rất khó khống chế.

Có đàn gia cầm thả rông gần khu vực trại sẽ tăng khả năng lây nhiễm cao vì gia cầm thả rông không được chăm sóc tốt, tiếp xúc nhiều mầm bệnh ngoài môi trường và thường không được tiêm vaccine đầy đủ.

Xung quanh trại cây cối rậm rạp, vũng nước ao hồ là môi trường ưa thích thu hút chim hoang, vật lây truyền bệnh như chuột, ruồi, muỗi, chúng thường mang mầm bệnh như: Tụ huyết trùng, Salmonella gây bệnh cho gia cầm.

Chất đống trang thiết bị vật tư xây dựng, phân gia cầm, thức ăn vương vãi hoặc sót lại gần chuồng nuôi là môi trường thuận lợi để chuột, côn trùng, chim hoang trú ẩn và sinh sống.

Đặc điểm trại và đàn gia cầm

Trại không có tường ngăn cách và cổng không được kiểm soát người ra vào trại là nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao.

Nguồn nước sử dụng không đảm bảo vệ sinh cho gia cầm uống (nước ao hồ, sông) hoặc nước ngầm chưa được xử lý khả năng nhiễm Salmonella và E. Coli cao.

Có gia cầm thả rông vào khu vực trại làm tăng khả năng nhiễm bệnh từ những đàn gà này cao (do không kiểm soát được dịch bệnh).

Trại nuôi nhiều đàn có các độ tuổi khác nhau nếu các chuồng nuôi nằm theo hướng gió thổi từ đàn nhiều tuổi sang đàn ít tuổi sẽ có rủi ro lây nhiễm từ đàn nhiều tuổi sang đàn ít tuổi.

Đàn gia cầm nhập về không rõ nguồn gốc và gà con nhận từ nhiều lò ấp khác nhau sẽ không kiểm soát được nguồn bệnh về trại, nguy cơ lây nhiễm bệnh cao.

Hệ thống ăn cho gà nuôi nền
Hệ thống ăn cho gà nuôi nền

Con người

Những người công nhân làm trong trại cần được kiểm tra theo dõi liệu họ có nuôi gia cầm ở nhà và các hoạt động của họ như ghé thăm trang trại khác, đến chơi nhà bạn bè có nuôi gia cầm hoặc gia đình họ có người làm công cho trang trại khác hay không? Nếu không được kiểm soát tốt chính người làm công này là tác nhân mang mầm bệnh vào trại và làm lây truyền bệnh từ nơi này sang nơi khác. Hoạt động của họ như săn chim, xem các trận đá gà chọi, xem hội chợ gia cầm… mang lại rủi ro cao bởi những hoạt động này liên quan đến các mầm bệnh truyền nhiễm mà không được kiểm soát.

Khách mời, khách tham quan không thực hiện đúng cách ly và khử trùng là tác nhân mang mầm bệnh lây nhiễm cho đàn gà của trại.

Người buôn bán gia cầm, nhóm bắt gà, thợ sửa chữa thiết bị… vào trại không chấp hành tốt quy định vệ sinh khử trùng là nguy cơ lây bệnh rất cao cho đàn gà.

Phương tiện vận tải

Chúng ta biết rằng chăn nuôi gia cầm là ngành công nghiệp năng động chuyển động gắn kết nhiều hoạt động với nhau (người chăn nuôi, người phục vụ, các kỹ thuật chuyên ngành, thú y, nuôi dưỡng, chọn lọc giống, ấp nở, thợ sửa chữa điện nước, thiết bị, người chuyên chở thức ăn, vật tư thiết bị, con giống…). Bởi vậy mỗi mắt xích trong chuỗi liên kết này bị rủi ro sẽ tác động tiêu cực đến toàn bộ chuỗi sản xuất.

Phương tiện của trang trại sẽ mang mầm bệnh vào trại nếu khi trở về trại không được tiêu độc sát trùng đúng quy định.

Người lái xe chở thức ăn, chở trứng, chở gà con đi vào trại nếu không thay quần áo bảo hộ, sát trùng sẽ mang mầm bệnh từ ngoài vào trại. Các phương tiện ngoài trang trại không được vệ sinh tiêu độc sát trùng trước khi vào trại có nguy cơ lây nhiễm cao từ trang trại sang trang trại.

Ô tô xe tải đậu rất gần với chuồng nuôi gia cầm nguy cơ lây truyền các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

Chim hoang, thú cảnh, vật nuôi và côn trùng

Chim hoang xâm nhập vào chuồng nuôi, tiếp xúc trực tiếp với gia cầm, ăn thức ăn, thải phân ra sẽ làm ô nhiễm thức ăn và nước uống gây rủi ro lây nhiễm bệnh truyền nhiễm như Cúm gia cầm AI, Newcastle ND, Tụ huyết trùng, Salmonella…

Tương tự, chim cảnh nuôi trâu, bò, lợn, chó, mèo trong trại rủi ro cao có thể truyền các bệnh truyền nhiễm. Ngoài ra, chuột phá hoại sàn, tường, đường ống dẫn nước, dây điện. Chuột còn ăn thức ăn của gia cầm và nguy hiểm hơn chúng có khả năng mang mầm bệnh như: Tụ huyết trùng, Salmonella…

Các loại gián, mạt gà, ruồi, muỗi có mặt trong trại gia cầm ngoài tác động trực tiếp chúng còn là vật mang mầm bệnh nguy hiểm cho gia cầm như: Đậu gà, Marek, Salmonella và một số bệnh khác.

Quản lý vệ sinh trang trại

Trại chăn nuôi gia cầm là cơ sở sản xuất khép kín cần có hàng rào ngăn cách và cổng kiểm soát người phương tiện ra vào trại. Đảm bảo đầy đủ hệ thống khử trùng phương tiện, thiết bị, người ra vào trại (Phòng thay quần áo, dày dép, phòng khử trùng, vòi hoa sen, vòi nước, xà phòng…). Quần áo dày dép bảo hộ cho công nhân làm việc và khách thăm trại luôn được đảm bảo đầy đủ sạch sẽ và được sử dụng đúng quy định.

Trang trại nuôi nhiều lứa tuổi vật nuôi khác nhau, con người di chuyển từ chuồng này sang chuồng khác mà không quan tâm đến: độ tuổi của đàn, tình trạng sức khỏe của đàn dẫn đến nguy cơ  truyền lây bệnh cho các nhóm dễ mẫn cảm mầm bệnh.

Kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình vệ sinh trong trại hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, có nhận xét để khắc phục những hạn chế thiếu sót giúp quản lý vệ sinh phòng bệnh được tốt hơn.

Kiểm tra việc thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng trại giữa hai đợt nuôi. Đảm bảo thời gian trống chuồng giữa hai đợt nuôi. Nếu không thực hiện tốt các việc này sẽ tồn tại mầm bệnh của đợt nuôi trước lây sang đợt nuôi sau.

Kiểm tra việc xử lý gà chết, mỗi trại đều có nơi xử lý gà chết hợp vệ sinh (hố tự hủy, lò thiêu xác…). Thu gom gà chết đúng quy định (gà chết được thu gom ngay vàò tải hợp vệ sinh và chuyển tới nơi xử lý gà chết). Nếu không làm tốt việc này mầm bệnh từ những con gà chết sẽ lây bệnh trong trại và phát tán mầm bệnh ra môi trường rất nguy hiểm cho trại và khu vực.

TS. Phan Văn Lục

Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *