Hạn chế stress nhiệt trên vật nuôi

Hạn chế stress nhiệt trên vật nuôi 2

Stress nhiệt cần phải được hạn chế bằng cách chọn nơi thoáng mát, cao ráo để xây dựng chuồng trại. Tránh việc để ánh nắng chiếu trực tiếp vào vật bằng cách bố trí hướng chuồng cũng như trồng các loại cây lâu năm, tán rộng trong trại nuôi…

Stress nhiệt là gì?

Mỗi loài động vật cần một phạm vi nhiệt độ không khí để sống được thoải mái, đó là phạm vi nhiệt độ tối ưu được giới hạn giữa nhiệt độ tới hạn thấp và nhiệt độ tới hạn cao. Khoảng nhiệt độ này tùy thuộc vào loại vật nuôi. Khi nhiệt độ không khí vượt lên trên nhiệt độ tới hạn cao và bức xạ nhiệt vượt quá nhiệt độ bề mặt da con vật, con vật sẽ bị stress nhiệt.

Biểu hiện của stress nhiệt

Stress nhiệt làm cho vật nuôi mệt mỏi, choáng váng, lờ đờ, thân nhiệt tăng so với thân nhiệt bình thường, toát mồ hôi (ở những vật nuôi có tuyến mồ hôi), tăng nhịp thở và nhịp tim, uống nhiều nước, ngất, cuối cùng có thể chết. Mỗi loài vật nuôi sẽ có những biểu biện khác nhau. Đối với heo, chúng tăng nhịp thở, tăng sự tiếp xúc với các bề mặt có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ cơ thể như nằm ép bụng xuống sàn chuồng hay đằm tắm trong nước, thậm chí trong phân và nước tiểu do chúng thải ra. Mặt khác, con vật cũng phải tìm cách giảm sản sinh nhiệt trong cơ thể bằng cách giảm lượng thức ăn ăn vào. Đối với gà, khi nhiệt độ tăng cao các hoạt động của cơ thể bắt đầu thay đổi, cánh rã, để giữ cho cơ thể không tổn thất nhiệt độ, giảm hoạt động, tăng lượng nước tích tụ và giảm ăn, 75% năng lượng trao đổi trong cơ thể chuyển thành nhiệt độ để đền bù tổn thất nhiệt.

Hạn chế stress nhiệt trên vật nuôi
Hạn chế stress nhiệt trên vật nuôi

Ảnh hưởng

Stress nhiệt gây ảnh hưởng cho sức khỏe vật nuôi, như: Giảm sức sinh trưởng, giảm mức ăn được (có thể đến 20%), giảm năng suất sữa, giảm khả năng cho thịt và kéo dài thời gian đạt khối lượng xuất chuồng. Trong trao đổi chất, stress nhiệt làm cho vật bị thất thoát những chất khoáng (K, Na, P, Mg, Zn).

Stress nhiệt làm giảm sinh sản ở bò sữa (rút ngắn thời gian chịu đực, giảm tỷ lệ thụ thai, nang trứng giảm kích cỡ và sự phát triển, dễ chết phôi, giảm kích thước và sự phát triển thai).

Stress nhiệt có ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản ở heo: Sẩy (chết) thai, động dục lại (sau khi đẻ) bị muộn, phối giống khó thụ thai (stress nhiệt ảnh hưởng đến khả năng thụ thai trong vòng 5 tuần).

Với gà, khi nhiệt độ không khí > 320C, giảm mức ăn được, giảm tăng trọng, trứng giảm khối lượng, vỏ trứng kém chất lượng.

Khắc phục

Chọn nơi thoáng mát, cao ráo để xây dựng chuồng trại. Tránh việc để ánh nắng chiếu trực tiếp vào vật bằng cách bố trí hướng chuồng cũng như trồng các loại cây lâu năm, tán rộng trong trại nuôi.

Trang bị các hệ thống điều hòa nhiệt độ trong chuồng như hệ thống phun sương, phun mưa, hoặc tốt nhất là xây chuồng kín với hệ thống làm lạnh. Chủ động điều khiển nhiệt độ trong chuồng nuôi, tránh hiện tượng chênh lệch nhiệt độ quá cao trong chuồng tại các thời điểm trong ngày (ngày, đêm).

Cung cấp nước đầy đủ, tạo điều kiện cho con vật tự điều hòa thân nhiệt một cách tốt nhất, tốt nhất nên cho vật nuôi uống nước lạnh hoặc bồn chứa nước, máng uống cần được che nắng.

Nếu mức ăn của con vật bị giảm, cần tăng thêm 13% mức lysine nhiều hơn so với những con vật không bị stress nhiệt, đồng thời tăng mức năng lượng, ví dụ bổ sung chất béo vào khẩu phần (2 – 6%). Khi có stress nhiệt, không cho con vật ăn nhiều xơ (cám lúa mì, vỏ hạt đậu tương, alfalfa). Trong thức ăn hoặc nước uống, cần bổ sung các chất điện giải (KCl, NH4Cl, NaCl, NaHCO3) và các vitamin (A, D, E và B – Complex).

PGS TS Phạm Ngọc Thạch 

Học viện Nông nghiệp Việt Nam

(Nguồn sưu tầm)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *