Hội chứng lứa 2 cần được kiểm soát để nâng cao năng suất sinh sản P.1

Hội chứng lứa 2 (P2S – second parity syndrome) được xem là một trong những sự cố về năng suất sinh sản trên nái mà nguyên nhân cốt lõi là sự suy giảm thể trạng khi nái cai sữa ở lứa đẻ đầu tiên. Vì thế, để trại có năng suất tổng thể tối ưu thì năng suất sinh sản ở nái lứa 1 cần đạt được kết quả tốt. 

Rối loạn sinh sản thường xảy ra trên nái cai sữa lứa đầu tiên và kéo theo nhiều thiệt hại về kinh tế và trong chăn nuôi, người ta gọi đó là hội chứng lứa hai “P2S” với nhiều biểu hiện: chậm lên giống, tỷ lệ đậu thai kém và số con sinh ra thấp. Một nghiên cứu được thực hiện năm 2008 (Dữ liệu quản lý đàn heo Quốc gia) trên 842 đàn với 42.000 nái lứa một: 16% có vấn đề đậu thai kém, 13% có vấn đề chậm lên giống (>07 ngày sau cai sữa) và 19% có vấn đề về số con sinh ra thấp (tổng số heo con sinh ra <11) và 21% thể hiện sự giảm đáng kể về số con sinh ra ở lứa hai (tổng số heo con sinh ra ít hơn 20%). Ở mức độ tại trại, những chỉ số trong hồ sơ được sử dụng để chỉ định khi nái có biểu hiện của hội chứng lứa 02: tỷ lệ đậu thai cho lần phối đầu tiên thấp hơn 85%, tổng số con sinh ra thấp hơn 20%, thời gian lên giống sau cai sữa >07 ngày. Có tối thiểu 80% trại xuất hiện một vấn đề, 40% trại có một hay hai vấn đề (tỷ lệ đậu thai và/hoặc tỷ lệ động dục) cùng lúc và có <10% trại xuất hiện cùng lúc cả 3 biểu hiện này:

Hội chứng lứa 2 cần được kiểm soát để nâng cao năng suất sinh sản P.1

Biểu đồ 1: Ảnh hưởng của lứa đẻ đến thời gian lên giống sau cai sữa (WEI)

(Nguồn: PigChamp Pro Europe 31,447 matings)

Biểu đồ 1 cho thấy nái cai sữa lứa 01 có thời gian lên giống sau khi cai sữa là 9,3 ngày. Và đây được xem là khoảng thời gian dài bất thường. Thời gian lên giống sau cai sữa là 6,6 ngày trên nhóm nái lứa 02 và lứa 03, trong khi đó chỉ số này bình thường là 05 đến 06 ngày trên những nhóm nái khác.

Hội chứng lứa 2 cần được kiểm soát để nâng cao năng suất sinh sản P.1 2

Biểu đồ 2: Ảnh hưởng của lứa đẻ đến tỷ lệ nái không lên giống (WEI> 10 ngày)

(Nguồn: PigChamp Pro Europe 31,447 matings)

Biểu đồ 2 cho thấy có hơn 21% nái  lứa 01 không có khả năng lên giống sau cai sữa hơn 10 ngày. Tỷ lệ nái không lên giống giảm xuống còn 9,82% ở nái cai sữa lứa 02 và tiếp tục hạ thấp nhất ở nái lứa 06 và sau đó có khuynh hướng tăng nhẹ trên các nái già.

Trong cả hai trường hợp, chúng ta dễ dàng nhìn thấy số ngày lên giống sau cai sữa bị kéo dài. Đây là một trong những dấu hiệu của hội chứng lứa hai và chủ yếu xảy ra trên những nhóm nái tơ sau khi cai sữa.

Nguồn gốc của hội chứng lứa 2 (P2S)?

Hội chứng này được biết đến rộng rãi trên những trại nái có năng suất sinh sản cao, với 80% trại xuất hiện một biểu hiện, 40% trại có cùng lúc hai biểu hiện và xuất hiện cùng lúc ba biểu hiện là 10%.

Hậu quả của hội chứng lứa hai thường gắn liền với tỷ lệ nái không có biểu hiện động dục sau khi cai sữa ở lứa 01 rất cao và chính điều này làm gia tăng chi phí sản xuất tại trại thông qua việc gia tăng số ngày không sản xuất. Ngoài ra, tỷ lệ đậu thai, tỷ lệ đẻ thấp và tổng số con sinh ra kém ở lứa kế tiếp làm cho năng suất toàn trang trại cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Tuy nhiên, các biện pháp hiện tại bao gồm: gia tăng dinh dưỡng cho nái trong giai đoạn mang thai, bổ sung và cung cấp nhiều dưỡng chất thiết yếu giúp cải thiện thể trạng nái kết hợp với việc cai sữa sớm trên nhóm nái này cũng giúp cải thiện ít nhiều hậu quả của hội chứng lứa hai mà các trang trại đang gặp phải.

Hội chứng lứa 2 cần được kiểm soát để nâng cao năng suất sinh sản P.1 3

Biểu đồ 3: Ảnh hưởng của số con sinh ra ở lứa đầu tiên đến năng suất toàn bộ vòng đời của nái

(Nguồn: PigChamp Pro Europe theo dõi liên tục trên 47,425 nái đẻ lứa đẻ đầu tiên từ 01/01/2005 đến 31/12/2009)

Biểu đồ 03 cho chúng ta thấy vấn đề rõ ràng, những nái có số con sinh ra cao ở lứa đầu tiên (màu xanh lá) luôn là đối tượng bị ảnh hưởng bởi hội chứng này, trong khi những nái có năng suất trung bình (màu xanh dương) hay những nái có năng suất thấp ở lứa đầu tiên (màu đỏ) lại không bị ảnh hưởng.

Nái ở lứa đẻ đầu tiên cần nguồn năng lượng cao để duy trì và phát triển thể trạng đồng thời cũng cần năng lượng để sản xuất sữa nuôi heo con nhưng trên thực tế trong suốt thời gian nuôi con chúng không thu nạp đủ năng lượng cho những nhu cầu này. Một phương pháp hiện tại để tăng kích thước của heo con sơ sinh là cần phải cải thiện thể trạng của nái khi cai sữa lứa trước đó. Mục đích chính nhằm tạo ra chất lượng trứng rụng tốt và khả năng tăng trưởng cân bằng giúp cho sự đồng đều của bào thai ở lứa đẻ sau.

Hậu quả của việc thiếu năng lượng trong khi nái đang đoạn nuôi con

Nái đẻ lứa đầu tiên là giai đoạn cần đảm bảo lượng thức ăn lớn (7,5-8kg/ngày); tuy nhiên, lượng thức ăn thực tế mà chúng ăn được hiếm khi đạt được mức 6-7kg/ngày và đôi lúc còn ở mức dưới 6kg/ngày.

Việc thiếu hụt năng lượng trong giai đoạn nuôi con gây rối loạn chức năng của hormone khi cai sữa và làm chậm, thấp lượng hormone LH gây ra tình trạng thụ thai kém như:

  • Chậm lên giống sau cai sữa
  • Quá trình rụng trứng diễn ra chậm
  • Lượng hormone Progesterone thấp hơn mức bình thường.

Ngoài ra những nái này còn có tỷ lệ rụng trứng thấp hơn và chất lượng cũng kém hơn. Và hậu quả tất yếu do những vấn đề nêu trên dễ làm cho đàn nái có những biểu hiện sau đây:

  • Khả năng sống của phôi thai bị giảm
  • Tỷ lệ tử vong của phôi thai gia tăng
  • Kích cỡ của ổ đẻ nhỏ
  • Trọng lượng heo con sơ sinh không đồng đều.

Làm thế nào để giảm thiểu vấn đề của hội chứng lứa 2?

Để làm giảm hậu quả của hội chứng lứa hai, có 02 phương pháp được lựa chọn:

1. Phương pháp truyền thống:

Giải quyết sự cố sinh sản liên quan đến hội chứng lứa 2, phương pháp truyền thống được sử dụng bao gồm:

  • Kích thích nái ăn nhiều trong giai đoạn đang nuôi con
  • Bỏ qua chu kỳ lên giống đầu tiên sau khi nái cai sữa có biểu hiện lên giống

Cả hai biện pháp này nhằm giúp nái có thời gian phục hồi thể trạng và điều quan trọng nhất là giúp quá trình trao đổi chất thay đổi từ dị hóa sang đồng hóa. Ngoài ra, việc bỏ qua chu kỳ lên giống đầu của nái sau cai sữa đảm bảo nái có thời gian phục hồi tử cung tốt hơn

Tuy nhiên chi phí tăng lên do số ngày không sản xuất (NPD) gia tăng – bởi vì nái phải bỏ qua chu kỳ lên giống sau khi cai sữa – và đây được coi như là một gánh nặng cho nhà chăn nuôi: ước chừng  là 2,5-3 Euro/ngày tương đương khoảng 52,5 Euro đến 63 Euro khi 01 chu kỳ lên giống bị bỏ qua.

2. Phương pháp hiện đại với Altrenogest

Mặc dù Altrenogest được sử dụng như một liệu pháp để đồng bộ hậu bị lên giống đồng loạt. Hiện nay, Altrenogest  được áp dụng nhiều trên nái cai sữa. Vai trò của Altrenogest trên nái cai sữa là giúp cho nái có thời gian hồi phục thể trạng và giảm thiểu ảnh hưởng của hội chứng lứa 2 trên nái.

Một thử nghiệm thực địa ở Thái Lan (tháng 01/2012 đến tháng 11/2013) tiến hành sử dụng Altrenogest trên nhóm nái cai sữa lứa 01 (40 nái – 20 nái sử dụng Altrenogest và 20 nái đối chứng) có thể trạng kém (BCS<3) và bị hao hụt về độ dày mỡ lưng (>3mm) trong suốt giai đoạn nuôi con. Altrenogest được sử dụng trong vòng 08 ngày liên tục sau khi cai sữa trên nhóm nái lứa 01 và mục tiêu của thử nghiệm là đánh giá hiệu quả của việc sử dụng Altrenogest trên nái cai sữa thông qua các chỉ tiêu:

  • Thời gian lên giống sau cai sữa/sau khi ngưng dùng Altrenogest
  • Số lượng nang noãn thành thục
  • Tỷ lệ đẻ thành công
  • Số con sinh ra ở lứa đẻ kế tiếp

Kết quả của thử nghiệm cho thấy hiệu quả rõ rệt về độ dày mỡ lưng đạt được ở nhóm dùng Altrenogest sau cai sữa có sự cải thiện thêm về độ dày mỡ lưng trung bình 2,8±0,3 mm trong khi nhóm đối chứng chỉ đạt được mức cải thiện trung bình là 2,1±0,3 mm. Bên cạnh đó, những chỉ số như số lượng noãn nang thành thục, tỷ lệ đẻ và tổng số con sinh ra cao hơn rất nhiều ở nhóm nái có sự hỗ trợ của Altrenogest trong vòng 08 ngày sau khi cai sữa. 

Bảng 1: Năng suất sinh sản được cải thiện trên nhóm nái lứa 01 có sử dụng Altrenogest sau khi cai sữa

Chỉ tiêu đánh giáNái cai sữa có sử dụng AltrenogestNái cai sữa không sử dụng Altrenogest
Số ngày lên giống sau cai sữa (ngày)11,6 ± 1,2 8,6 ± 2,2 
Số lượng nang noãn thành thục (noãn nang)20,4±1,9b 15,3±2.2a 
Tỷ lệ đẻ (%)95b 66a 
Số con sinh ra (con)10,6±1,0b 8,1±1,2a 
a,b Khác biệt có ý nghĩa về mặt thống kê P ≤ 0.05.

Người ta biết rằng lượng thức ăn thấp trong thời kỳ nuôi con dẫn đến tình trạng cơ thể mất đi quá nhiều đặc biệt là những nái dưới 02 năm tuổi. Khả năng sinh sản của những nái này có thể bị suy giảm thông qua số ngày lên giống sau cai sữa (WSI) dài hơn, số lượng nang trứng trưởng thành (trội) thấp hơn, tỷ lệ mang thai thấp, tỷ lệ chết phôi tăng và số con sinh ra/lứa bị giảm. Trong thử nghiệm tại Thái Lan (và một số thử nghiệm tại các quốc gia khác), cho thấy việc sử dụng Altrenogest có thể giúp ức chế sự động dục (không mong muốn) và cho phép nái có thời gian phục hồi thể trạng (ở trạng thái đồng hóa) trong suốt thời gian dùng Altrenogest. Sau khi ngưng dùng Altrenogest, những con nái đó sẽ có thể trạng tốt, số lượng nang noãn trội được cải thiện và  có biểu hiện động dục tốt hơn giúp cho nhóm nái sử dụng Altrenogest có tỷ lệ mang thai và số con sinh ra/lứa đẻ tốt hơn so với nhóm đối chứng và kết quả này hoàn toàn giống với các nghiên cứu trước đây. Việc sử dụng Altrenogest trong vòng 8 ngày sau khi cai sữa giúp cải thiện năng suất sinh sản trên những nhóm nái có nguy cơ đối mặt với hội chứng lứa hai và những nái có thể trạng gầy trước khi cai sữa.

Theo Tạp chí chăn nuôi Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *